BIẾT LẮNG NGHE CON TRẺ SẼ GIÚP CHÚNG TRẢI LÒNG, CHIA SẺ NHIỀU HƠN

Câu chuyện về một đứa trẻ hay bị bạn bè trêu chọc vì học lực yếu, nên nó hay cãi cọ, đánh nhau với bạn bè trong lớp; tình trạng diễn ra một thời gian dài.

Cho đến một ngày, giáo viên yêu cầu gia đình cho con chuyển lớp với lý do con gây ảnh hưởng thi đua của lớp, nhưng cô chưa từng một lần tìm hiểu nguyên nhân: “vì sao bạn bè trêu chọc con”; thay vào đó là những câu hỏi: “Sao đánh nhau lắm thế”, “Em có biết em làm ảnh hưởng để thi đua của lớp”, “Lần sau không được đánh nhau nữa”,… càng khiến nó khó dừng lại việc gây gổ, và người lớn chỉ muốn chúng dừng đánh nhau lại nhưng không cho chúng lý do.
Tâm lý con người, đặc biệt là trẻ nhỏ, luôn muốn làm ngược lại; càng bảo “không được làm” thì trẻ lại càng muốn làm. Như việc nói trẻ đừng chơi điện tử nữa, đừng đánh nhau nữa, đừng có không nghe lời, đừng để mẹ phải cáu,… Bố mẹ thử quan sát xem ạ, hầu hết trẻ sẽ làm ngược lại: vẫn chơi điện tử, vẫn muốn đánh bạn, vẫn làm cho ba mẹ nổi cáu.
Khi nó chuyển sang lớp khác, nó vẫn mang theo tâm thế ưa dùng “tay chân” để giải quyết khi bị bạn bè trêu chọc hơn dùng ngôn từ. Nhưng tình trạng gây gổ trong lớp ngày một nhiều hơn khi bạn bè biết nó là đứa học sinh chuyển lớp vì học lực yếu, hay gây gổ đánh nhau. Ánh mắt thiện cảm cho nó ngày càng ít khiến nó càng trở nên nóng nảy, chỉ biết trút giận bằng những cuộc gây gổ. Việc chuyển lớp lại tiếp tục khi nó sang năm học mới. Đến lần thay đổi lớp này, nó vẫn bị mang cái mác “học sinh cá biệt” và luôn không kiềm chế được cảm xúc mỗi lần bị trêu chọc. Cô giáo chủ nhiệm lớp mới đã nói chuyện riêng với nó. Cô rất điềm tĩnh, sau khoảng năm mười phút hỏi han tình hình gia đình cô mới bắt đầu câu chuyện chính: “Hôm trước cô nhìn thấy em đánh bạn, lúc ấy bạn rất đau đấy, nhưng hôm nay cô trông bạn đã ổn hơn nhiều. Lý do gì khiến em đánh bạn như vậy?”. Nó như được “gãi đúng chỗ ngứa”, nó vừa khóc vừa kể ra tất cả những lần đánh nhau, bị bạn bè trêu chọc trong hơn hai năm học vừa qua. Cứ thế hơn một giờ trôi qua, bao nỗi ấm ức của đứa trẻ được cô giáo lắng nghe.
Cuối buổi trò chuyện cô có nói đôi điều khiến nó bây giờ không phải là một đứa trẻ học giỏi nhất nhì lớp nhưng không còn bạn bè hay giáo viên nào phàn nàn hay nhìn thấy nó cãi cọ, đánh nhau trong lớp nữa: “Cô đã hiểu con ấm ức vì không được lắng nghe, khiến con cảm thấy mình không có ích cho lớp, nên thành ra con mới đánh bạn. Nhưng hôm nay cô đã lắng nghe hết rồi, dừng việc đánh nhau ở đây con nhé”.
Con trẻ luôn cần được người lớn lắng nghe và hiểu những hành động của chúng. Khi bố mẹ, thầy cô chịu lắng nghe những gì nó nói, chắc chắn nó sẽ có động lực để trở thành một đứa trẻ vâng lời.


_________